1. Đại cương
Ở Mỹ K CTC đứng hàng thứ 3, và là nguyên nhân gây tử vong trong số các K phụ khoa. Lối sống nguy cơ đưa đến KCTC là 0,6%. Tuổi trung bình ở Mỹ là 50 [ 1]
- Năm 2020, ung thư cổ tử cung ước tính chiếm khoảng 604.000 trường hợp ung thư mới mắc và 342.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới và là loại ung thư phổ biến thứ tư ở nữ giới. [6]
- Ung thư cổ tử cung là một trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. [6]
Phân bố ung thế giới 2020 (WHO)
2. Nguyên nhân gây Ung thư CTC?
Bệnh sinh: Gần 99% bệnh nhân ung thư cổ tử cung bị nhiễm virus Human Papillomavirus (HPV). Trong đó virus HPV type 16 và 18 chiếm đến 70% nguyên nhân gây bệnh.
Yếu tố nguy cơ [1]
- Quan hệ tình dục tuổi sớm, không an toàn, có nhiều bạn tình.
- Hút thuốc.
- Ngoài ra còn do lạm dụng thuốc ngừa thai.
Hình minh họa nguồn Medical Magazine inviTRA
3. Một số vấn đề đặt ra:
3.1. Ung thư CTC có nguy hiểm không ?
- Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có nhiều biến chứng đáng sợ như: phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung, tước đi quyền làm mẹ của người phụ nữ, suy thận, ung thư di căn đến phổi, gan,… thậm chí gây tử vong ở giai đoạn cuối.
- Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có trên 500.000 ca mắc mới và khoảng 250.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung. Riêng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cứ mỗi 2 phút lại có một phụ nữ qua đời vì căn bệnh này. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có đến 5000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng một nửa số ca gây tử vong. Trung bình mỗi ngày, có 7 phụ nữ tử vong và 14 ca mắc mới vì căn bệnh này.[6]
3.2. Ai nên tầm soát ung thư CTC?
Theo ACS 2012 (ACS: American Cancer Society)
- Phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi nên tầm soát ung thư CTC mỗi 3-5 năm một lần.
- Nếu bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch có thể nên khám bác sĩ sớm để được tư vấn cụ thể.
- Nên tầm soát sau lần đầu tiên 3 năm.
- Nếu sau 65 tuổi mà các sàng lọc trước đó bình thường bạn có thể ngừng tầm soát.
Hình minh họa từ Department of Heath/ New york
3.3. Ung thư CTC có lây không?[7]
- Ung thư CTC không lây, nhưng tác nhân hàng đầu gây ung thư CTC có thể lây qua quan hệ tình dục
- Ngoài quan hệ tình dục ra, HPV còn có thể lây nhiễm qua tiếp xúc gián tiếp chẳng hạn như: tiếp xúc với quần áo, kềm cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót… của người bị nhiễm bệnh.
- HPV không lây nhiễm qua các con đường như: từ bồn cầu, ôm hay nắm tay, ăn chung hoặc dùng chung bát đũa, bơi chung hồ bơi hay bồn tắm với người mắc bệnh.
Hình ảnh minh họa
3.4. Ung thư CTC có di truyền không?
- Theo các nghiên cứu thì ung thư cổ tử cung có thể xuất hiện nhiều hơn nếu trong gia đình có người mắc ung thư cổ tử cung, nhưng chứng cứ nghiên cứu chưa mạnh nên chưa thể kết luận ung thư cổ tử cung có di truyền không , nhưng nếu gia đình bạn có mẹ hoặc chị em ruột bị ung thư cổ tử cung thì khả năng bạn mắc ung thư cao hơn người bình thường .[8]
- Nếu bạn cảm thấy lo lắng nên đi khám bác sĩ để được tư vấn
- Cụ thể, bác sĩ sẽ đánh giá tất cả các yếu tố cá nhân riêng của bạn và đưa ra lời khuyên phù hợp nhất với bạn
Hình minh họa nguồn National Cancer Institute – NCI
3.5. Ung thư CTC thường gặp ở độ tuổi nào?
- Ung thư cổ tử cung thường xảy ra ở độ tuổi trung niên. Nó thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 44.
- Bệnh hiếm khi xảy ra ở phụ nữ dưới 20 tuổi và hơn 15% chẩn đoán được thực hiện ở phụ nữ trên 65 tuổi.
- Nhóm trên 65 tuổi, ung thư thường xảy ra ở phụ nữ đã không làm xét nghiệm sàng lọc thường xuyên.
Hình minh họa nguồn Wed Vaccine Knowledge Project
3.6. Ung thư CTC: dấu hiệu nhận biết, có chữa được không?
- Thường không nhận biết ở giai đoạn sớm, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sàng lọc KCTC định kỳ
- Dấu hiệu thường gặp nhất là chảy máu âm đạo bất thường (bao gồm chảy máu sau quan hệ tình dục, khi khám có thể không nhìn thấy hoặc sờ thấy tổn thương)
- Ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể chữa được nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên do bệnh diễn tiến âm thầm ít có triệu chứng rõ ràng nên khi bạn tự phát hiện đã quá trễ. Chính vì vậy bạn nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
3.7. Phòng ngừa ung thư CTC bằng cách nào?
Ung thư cổ tử cung có thể được phòng ngừa tương đối nếu bạn
- Tiêm ngừa HPV. (Độ tuổi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung là từ 9 – 45 tuổi. Tuy nhiên Bộ y tế Việt Nam khuyến cáo bạn nên tiêm trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi. )
- Tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Có lối sống tốt và làm việc khoa học, tránh hút thuốc
- Tránh quan hệ tình dục với nhiều người, tránh quan hệ tình dục quá sớm.
- Khám phụ khoa khi âm đạo có những triệu chứng bất thường và bạn cần trị dứt điểm để tránh tình trạng nhiễm trùng đường sinh dục ( là yếu tố thuận lợi của KCTC)
- Khám sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.
Hình minh họa nguồn Medical Magazine inviTRA
3.8. Khuyến cáo sàng lọc mới nhất theo hội ung thư Hoa kỳ năm 2020 (ACS: American Cancer Society) [5]
-
- Phụ nữ bắt đầu sàng lọc ung thư cổ tử cung tử 25 tuổi và làm xét nghiệm HPV đầu tay đơn lẻ mỗi 5 năm cho tới 65 tuổi ( lực chọn ưu tiên).
- Phụ nữ từ 25-65 tuổi nên được sàng lọc bằng bộ đôi xét nghiệm (Co-testing: Xét nghiệm HPV kết hợp với tế bào học mỗi 5 năm hoặc tế bào học đơn lẻ mỗi 3 năm).
- Co-testing hoặc tế bào học đơn lẻ được xếp trong lựa chọn chấp nhận được trong sàng lọc ung thư cổ tử cung, vì việc tiếp cận với xét nghiệm HPV được phê duyệt bởi FDA cho sàng lọc đầu tay đơn lẻ còn giới hạn ở một số nơi. Khi Hoa kỳ chuyển dần sang xét nghiệm HPV đầu tay đơn lẻ, việc dùng bộ đôi xét nghiệm hoặc tế bào học đơn lẻ có thể sẽ không còn được khuyến cáo trong các hướng dẫn sau này.
- Phụ nữ > 65 tuổi trở lên và không có tiền căn bị CIN2 ( Cercical Intraepithelial Neoplasia) trở lên và tiền căn sàng lọc ung thư âm tính trong vòng 10 năm trước thì được ngưng sàng lọc ung thư cổ tử cung.
4. Ung thư CTC sống được bao lâu?[9]
- Không thể kết luận chính xác người mắc ung thư cổ tử cung sống được bao lâu nếu điều trị loại bỏ ung thư cổ tử cung trở nên bất khả thi.
- Dựa vào Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute – NCI ) thì có thể xem xét một cách tham khảo
- Giai đoạn khu trú: Ung thư tại chổ chưa lan ra các mô xung quanh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này là 92%
- Giai đoạn lan rộng: Ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 sống được bao lâu? Nếu ở giai đoạn tế bào ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung và tử cung, đi vào các hạch bạch huyết và các cấu trúc xung quanh thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này là 58%.
- Giai đoạn di căn: Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sống được bao lâu? Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác và các bộ phận khác trên cơ thể. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này là 17%. Nhìn chung, ung thư cổ tử cung là bệnh diễn tiến chậm, âm thầm. Từ thời điểm nhiễm virus HPV gây nên các triệu chứng ở vùng cổ tử cung đến các dấu hiệu tiền ung thư, rồi ung thư xâm lấn có thể mất khoảng 10 – 15 năm.
Nguồn American Cancer Society
5. Kết luận
Ung thư cổ tử cung là ung thư phòng ngừa được, chữa khỏi được cũng như có khả năng phát hiện sớm. Ở giai đoạn tiền ung thư, điều trị sẽ gíup giảm biến chứng và tử vong so với khi bệnh ở giai đoạn muộn. Xét nghiệm HPV đầu tay đơn lẻ cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên mỗi 5 năm cần được khuyến cáo. Hy vọng với nổ lực của nhân viên y tế , chương trình sàng lọc quốc gia và tiêm ngừa HPV, ung thư cổ tử cung sẽ dần không xuất hiện ở Việt nam
Tài liệu tham khảo
- Invasive cervical cancer: Epidemiology, risk factors, clinical manifestations, and diagnosis/ Author Michael Frumovitz, MD, MPH/ uptodate 19/04/ 2022
- Overview of approach to cervical cancer survivors/ Author Linda R Duska, MD/ uptodate 30/08/2021
- Human papillomavirus vaccination/ Authors J Thomas Cox, MD Joel M Palefsky, MD/ uptodate 17/12/2021
- Cervical intraepithelial neoplasia: Terminology, incidence, pathogenesis, and prevention/ Author Jason D Wright, MD/ uptodate 06/07/2022
- Screening for cervical cancer.CA cancer J Clin.2020
- Sung H, Ferlay J, Siegel RL, Laversanne M, Soerjomataram I, Jemal A, et al. Global cancer statistics 2020: GLOBOCAN estimates of incidence and mortality worldwide for 36 cancers in 185 countries. CA Cancer J Clin. 2021:71:209–49. doi:10.3322/caac.21660.
- Lây nhiễm HPV và nguy cơ ung thư cổ tử cung/ Sở y tế Hà Nội 11/03/2020.
- Invasive cervical cancer: Epidemiology, risk factors, clinical manifestations, and diagnosis/Author:Michael Frumovitz, MD, MPH/uptodate 19/04/2022
- https://www.cancer.org/cancer/cervical-cancer/detection-diagnosis-staging/survival.html
Nguồn: BS.CKII. Nguyễn Thị Huệ (Trưởng khoa Sản phụ khoa BVĐHNCT) và BS. Trần Thanh Đồng (Bác sĩ điều trị khoa Sản phụ khoa BVĐHNCT)