Báo điện tử Kinh tế Sài Gòn đưa tin: Hội thảo về tối ưu quản lý bệnh tim mạch trong bối cảnh hậu Covid-19

(KTSG Online) – Các nghiên cứu cho thấy nhóm thuốc ức chế kênh động vận chuyển natri và glucose (SGLT2i) có tác dụng rất tốt cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường và tim mạch.

phoi canh bv dk nam can tho 1593488786 1

Các đại biểu tham dự hội thảo tại Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ vào hôm nay, 7-5. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin nêu trên được ông Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam chia sẻ tại hội thảo tim mạch quốc tế bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ- lần 1 với chủ đề tối ưu quản lý bệnh tim mạch trong thời đại mới diễn ra vào hôm nay, 7-5, ở TP Cần Thơ.

Ông Phước cho biết, tiểu đường là bệnh lý rất phổ biến, mà cụ thể vào năm 2003, thế giới có khoảng 189 triệu người mắc và dự kiến đến năm 2025 có 324 triệu người. “Tiểu đường đi kèm theo bệnh tim mạch, mà cụ thể cứ 3 người mắc bệnh tiểu đường, thì có 1 người bệnh tiểu đường có kèm bệnh tim mạch”, ông cho biết.

Theo ông Phước, bệnh tiểu đường và tim mạch có nguy cơ tử vong khá cao, cho nên, việc tìm ra thuốc điều trị hiệu quả là rất cần thiết, trong đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm thuốc SGLT2i không chỉ hiệu quả đối với bệnh tiểu đường mà còn tốt cho bệnh tim mạch.

Cụ thể, theo ông Phước, trên cơ sở nghiên cứu của EMPA-REG OUTCOME, thì kết quả sử dụng đối với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và tim mạch là tốt hay nói cách khác bệnh tiến triển tốt hơn; đối với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, nhưng không có bệnh tim mạch cũng cho kết quả tốt và cũng cho kết quả tốt đối với bệnh nhân có nguy cơ tim mạch, nhưng không mắc bệnh tiểu đường.

Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc GLT2i, đó thúc đẩy bài niệu thẩm thấu và thải trừ natri ở bệnh nhân có hoặc không mắc tiểu đường nên có thể giảm tiền gánh (tiền gánh là tải lượng tim cuối giai đoạn cơ tim giãn và đổ đầy (thì tâm trương) và ngay trước khi co cơ tim (thì tâm thu).

SGLT2i cũng có thể có tác dụng lên mạch máu, bao gồm cải thiện chức năng nội mô, thúc đẩy quá trình giãn mạch, do đó, có thể làm giảm hậu gánh (hậu gánh là lực cản mà tâm thất phải tác động để tống máu ra ngoài); có thể cải thiện chuyển hóa cơ tim, do đó cải thiện cung lượng tim…

Trước đó, tại hội thảo này, ông Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, dự kiến trong tháng 5 này, dự án Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng sẽ được khánh thành đưa vào sử dụng.

Theo đó, dự án được khởi công xây dựng vào tháng 12-2018 và được đầu tư với quy mô gồm 1 tầng hầm và 10 tầng nổi, có diện tích sàn xây dựng 28.500m2.

Ông Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng ngoài mục đích phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho cộng đồng, thì bệnh viện còn là nơi học tập và thực hành cho sinh viên đang theo học khối ngành sức khỏe tại Trường Đại học Nam Cần Thơ có điều kiện cọ xát với thực tế, góp phần hoàn thiện kỹ năng và nâng cao tay nghề.

Trong khi đó, với việc tổ chức hội thảo nêu trên, ông Cương cho rằng, đây cơ hội để lắng nghe, chia sẻ và trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về bệnh lý tim mạch, đặc biệt là hội chứng hậu Covid-19 có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngay cả khi bị bệnh nhẹ, ở những người trẻ tuổi, không có các yếu tố nguy cơ khác.

Nguồn: https://thesaigon.vn/hoi-thao-ve-toi-uu-quan-ly-benh-tim-mach-trong-boi-canh-hau-covid-19

907.365.115
Đặt lịch khám
zalo