1) Xương đòn là gì?
Xương đòn (xương quai xanh) là một xương có hình chữ S và có thể dễ dàng nhìn thấy ngay dưới da ở nhiều người.
Xương đòn có vai trò như một thanh chống để nối lồng ngực và đai vai.
Cơ chế gãy xương đòn: ngã té chống tay, té đập vai hoặc lực tác động trực tiếp vào vùng vai.
2) Lựa chọn phương pháp điều trị
Đa phần gãy xương đòn là gãy kín. Phương án điều trị không còn cứng nhắc kiểu “all or nothing” như quan điểm trước đây nữa mà còn tùy thuộc vào từng bệnh nhân và loại tổn thương. Bác sĩ chỉnh hình tùy trường hợp cần có trao đổi với bệnh nhân những ưu điểm và khuyết điểm của từng phương pháp.
Đối với điều trị bảo tổn, việc sử dụng đai số 8 không chứng minh mang lại hiệu quả gì cả mà chỉ gây ra khó chịu cho bệnh nhân. Bệnh nhân chỉ cần mang đai treo tay đơn giản là đủ.
Đối với điều trị phẫu thuật, thường kết hợp xương nẹp vis hoặc đinh nội tủy xương đòn cho 1 số trường hợp. Cố định ngoài hiếm khi dùng. Chỉ định phẫu thuật cũng mang tính chất “tương đối” (1) tùy thuộc vào:
Loại gãy:
- Di lệch > 2cm
- Chồng ngắn > 2cm
- Gãy nát (> 3 mảnh)
- Gãy nhiều đoạn
- Gãy hở
- Có nguy cơ đâm ra da
- Thấy rõ di lệch trên khám lâm sàng
- Có di lệch của xương vai khi khám lâm sàng
Tổn thương đi kèm
- Tổn thương mạch máu cần phải mổ
- Khiếm khuyết thần kinh tiến triển
- Chấn thương gãy xương chi trên cùng bên
- Gãy nhiều xương sườn cùng bên
- Gãy cổ xương bả vai
- Gãy xương đòn đối bên
Tình trạng bệnh nhân
- Đa chấn thương cần vận động sớm chi trên
- Nhu cầu bệnh nhân mong muốn vận động lại sớm
Các nghiên cứu đã được thực hiện để so sánh biến chứng và dự hậu giữa phương pháp điều trị và phẫu thuật (xem bảng). Bác sĩ chỉnh hình cần tư vấn cho bệnh nhân được rõ để bệnh nhân lựa chọn.
-
From McKee MD: Clavicle fractures. In Bucholz RW, Heckman JD, Court-BrownCM, Tornetta P 3rd, editors: Rockwood and Green’s fractures in adults, 7th ed, Philadelphia, 2010, Lippincott Williams & Wilkins.
Nguồn: ThS.BS. Nguyễn Thành Công (Bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp và Tạo hình thẩm mỹ, Chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình)