Tiềm năng từ mô hình bệnh viện – trường học

(TBKTSG Online) – Hai sự kiện diễn ra liên tiếp trong cùng một tuần về hợp tác xây dựng bệnh viện – trường học tại trường Đại học Nam Cần Thơ và trường Đại học Quốc gia TPHCM đã phần nào phản ánh mối quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với mô hình doanh nghiệp – trường học (business in school).

Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cùng Đại học Quốc gia TPHCM (VNUHCM) ngày 4-6 đã ký kết hợp tác xây dựng một bệnh viện 500 giường với mức đầu tư 2.000 tỉ đồng. Vài ngày sau đó, ngày 9-6, Đại học Nam Cần Thơ (DNC) tổ chức khánh thành Khu thực hành đa chức năng và Viện Nghiên cứu – Phát triển dược liệu, phục vụ cho hơn 12.000 học viên, sinh viên đang theo học tại nhà trường.

Trong nhiều năm qua, đào tạo gắn liền với bệnh viện là mô hình được Bộ Y tế khuyến khích trong công tác đào tạo của các trường y dược nhằm giúp sinh viên có được kiến thức sâu y lý, giỏi y thuật và giàu y đức. Y dược là ngành đào tạo đặc thù do đó cần có phương thức đào tạo đặc thù để trang bị kiến thức chuyên môn thực tế và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

phoi canh bv dk nam can tho 1593488786 1

Sinh viên Cao đẳng Công nghệ Y Dược Việt Nam thực hành tại Bệnh viện 199 – Bộ Công An. Ảnh: benhvien199.vn

Theo Bộ Y tế, việc thúc đẩy mô hình bệnh viện – trường học thể hiện sự quan tâm về chất lượng đào tạo các thế hệ sinh viên y dược và sự quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo trong chiến lược cung cấp nguồn nhân lực y dược chất lượng cao cho Việt Nam và thế giới.

Cơ hội kinh doanh trong mô hình doanh nghiệp – trường học

Sự ra đời của Nghị định 111/2017/NĐ-CP ngày 5-10-2017 của Chính phủ (quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe) đã góp phần thúc đẩy cho hoạt động hợp tác bệnh viện – trường học. Đây cũng là nền tảng để các trường đại học có ngành học hoặc khoa về y dược có thể tự thành lập và quản lý bệnh viện thực hành của riêng mình, phục vụ sinh viên thực tập và giảng viên thực hành lâm sàng.

Hiện tại, một số trường đại học y dược đã thành lập bệnh viện trực thuộc, đơn cử Đại học Y dược TPHCM, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Y dược Huế, Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch…

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Trưởng khoa Thường trực Khoa Y thuộc trường Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, với mô hình bệnh viện – trường học, bệnh viện sẽ chia sẻ một phần lợi ích kinh tế cho trường thông qua việc chi trả một phần thu nhập cho đội ngũ nhân sự công tác tại cả hai bên (trường đại học và bệnh viện), và đóng góp một phần lợi nhuận cho trường, tùy vào tình hình thu – chi của bệnh viện. Ngoài ra, trường sẽ chi trả thù lao thỉnh giảng cho đội ngũ bác sĩ và chi phí để sinh viên thực tập tại bệnh viện. Mô hình hợp tác này mang lại lợi ích cho đôi bên (win-win).

Khi tham gia phát triển mô hình bệnh viện – trường học, các nhà đầu tư có nhiều hình thức rót vốn. Cụ thể, khi đầu tư xây dựng bệnh viện, có thể rót vốn theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).

“Trong hợp tác giữa trường với nhà đầu tư để xây dựng bệnh viện thì nhà đầu tư tham gia công tác quản trị, trường phụ trách mảng chuyên môn. Nhà trường được lợi là có cơ sở thực hành cho sinh viên, còn nhà đầu tư thu hồi vốn từ lợi nhuận thu được từ dịch vụ khám chữa bệnh. Theo hợp đồng BOT, nhà đầu tư được kinh doanh từ dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện trong một khoảng thời gian nhất định, hết thời hạn thì nhà đầu tư chuyển giao quyền quản lý bệnh viện cho trường”, ông Dũng giải thích.

Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của DNC – nhà đầu tư của bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, cũng cho biết hai công trình vừa được khánh thành ngày 9-6 là Khu thực hành đa chức năng và Viện Nghiên cứu – Phát triển dược liệu nằm trong mục tiêu góp phần thúc đẩy mô hình “doanh nghiệp trong trường học” (business in school) mà DNC đang theo đuổi với tổng mức đầu tư 200 tỉ đồng.

Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh doanh, nâng cao chất lượng đào tạo, việc đầu tư xây dựng bệnh viện trong trường đại học cũng tạo cơ hội thu hút sinh viên nộp đơn ứng tuyển vào các trường.

Phát triển bệnh viện – trường học, dễ mà khó

Hiện nay, việc xin cấp giấy phép xây dựng bệnh viện trong trường học phải tuân thủ theo các quy định của Bộ Y tế và các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan; Luật Khám chữa bệnh… Đối với những nhà đầu tư, đây không phải là thách thức; khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn nhân sự bác sĩ giỏi chuyên môn và có kinh nghiệm giảng dạy. Tại các trường đại học đang có bệnh viện trực thuộc, mỗi bộ môn phải có ít nhất một bác sĩ  vừa tham gia giảng dạy vừa trực tiếp làm việc tại bệnh viện.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, chia sẻ một trong những khó khăn đối với ban quản trị DNC là thu hút nhân tài từ các bệnh viện khác về làm việc. Theo kinh nghiệm của ông Xuân, mức lương chi trả cho những nhân sự quan trọng là điều đáng lưu ý, vì nếu bác sĩ làm việc ở phòng mạch riêng thì thu nhập của họ sẽ cao hơn rất nhiều lương ở một bệnh viện. Nếu nguồn nhân sự bị thiếu phải xin ý kiến “cầu cứu” từ Bộ Y tế.

Việc xây dựng mức lương và chính sách chế độ đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ y bác sĩ làm việc tại các đơn vị theo mô hình bệnh viện – trường học cũng là vấn đề không đơn giản đối với nhà đầu tư và các cấp quản lý.

Ở góc nhìn của một nhà tư vấn chiến lược, ông Lý Trường Chiến, Phó chủ tịch Câu lạc bộ tư vấn doanh nghiệp TPHCM, cho rằng cần có sự nghiên cứu giải pháp và chiến lược hành động cụ thể trong việc thu hút đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm bằng lương đến làm việc tại các viện – trường.

“Không thể sử dụng tư duy cũ để giải quyết vấn đề mới. Làm sao không chỉ về lương bổng mà phải có chính sách khác giúp cho những người có đủ “Tâm-Tầm- Tài” thấy được nhiệm vụ xã hội, giá trị mà họ tạo ra khi họ dành thời gian và tâm huyết cho những môi trường mới, đang rất cần họ đóng góp để tạo ra những thế hệ sinh viên kế thừa, tiếp tục sự nghiệp mà họ đang theo đuổi, cùng nâng tầm y tế của Việt Nam. Đó mới là điều cần hướng đến”, ông Lý Trường Chiến chia sẻ.

Ông Chiến cho rằng, xét về ý nghĩa xã hội việc xây dựng thêm các bệnh viện trong trường học là việc cần thiết, nhất là khi nguồn sinh viên ngành y cần có chỗ thực tập và học hỏi kinh nghiệm từ các bác sĩ giỏi.

 

Mỹ Dung
Nguồn: https://www.thesaigon.vn/304590/tiem-nang-tu-mo-hinh-benh-vien–truong-hoc.html

907.365.115
Đặt lịch khám
zalo