Khoa Tim mạch và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ vừa can thiệp thành công cho một bệnh nhân nữ, L.T.H, 64 tuổi, ngụ Sóc Trăng (cũ), bị đau thắt ngực (thiếu máu cục bộ cơ tim), tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.
Theo hình ảnh chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị hẹp rất nặng ngay gốc động mạch vành trái, ngay chỗ chia 4 nhánh động mạch vành và hẹp nặng nhánh liên thất thất trước (mạch máu lớn nhất nuôi tim), mạch máu lớn, vôi hóa nặng, gập góc.
Hình ảnh trước và sau can thiệp của bệnh nhân
Ê-kíp phẫu thuật đã can thiệp đặt thành công 3 stent lớn: 1 stent kích thước 4.0 mm, 2 stent kích thước 3.5 mm. Stent được đặt tại các vị trí LM-LAD, LAD I-II, LM-LCx, tái thông hoàn toàn dòng máu nuôi tim, giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy hiểm. Sau đặt stent, chụp kiểm tra ghi nhận mạch máu tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân ổn định có thể xuất viện sau 48 giờ.
BSCKII Trần Chí Dũng – Phó Trưởng Khoa Tim mạch và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết, hẹp nặng gốc động mạch vành trái là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Nếu xảy ra tắc nghẽn tại vị trí này mà không được can thiệp kịp thời, nguy cơ ngưng tim đột ngột tại nhà là rất cao. Trong trường hợp của cô H… đây thật sự là một ca đặc biệt may mắn, phát hiện và điều trị can thiệp kịp thời.
Ê-kíp phẫu thuật cho bệnh nhân
Bác sĩ Trần Chí Dũng khuyến cáo, khám sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát bệnh tim mạch và các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, ở những bệnh nhân hút thuốc lá, thừa cân béo phì, ít vận động, gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm.
Nhận biết dấu hiệu cảnh báo: Đau thắt ngực, nặng ngực, mệt, khó thở, vã mồ hôi, đau thượng vị ở người có yếu tố nguy cơ phải đến bệnh viện ngay.
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Huyết áp, đường huyết mỡ máu, ngưng hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tránh thừa cân béo phì, tập thể dục thường xuyên.
Tuân thủ thuốc và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Văn Dương