(BVĐHNCT) – Mắt được ví như một cỗ máy siêu việt với cấu trúc thần kinh, quang học rất tinh vi. Tất cả những cấu trúc tạp ấy kèm theo các mạch máu nuôi dưỡng, các lớp mô đệm nằm gọn trong nhãn cầu với thể tích 4 – 5 cm3. Nếu không có các thiết bị quang học, phóng đại, nội soi … thì việc thăm khám hay can thiệp vào nhãn cầu gần như là con số không.
Mắt là cơ quan thị giác, thực hiện chức năng nhìn, quan sát, thu nhận hình ảnh và màu sắc của sự vật, hiện tượng được đưa vào não để xử lý và lưu trữ. Nhìn bên ngoài, cấu tạo của mắt khá đơn giản, nhưng cấu tạo bên trong lại vô cùng tinh vi và kỳ công. Bên trong mắt gồm có thuỷ dịch, thuỷ tinh thể, võng mạc, dịch kính (thể pha), hắc mạc, đĩa thị, lõm hoàng điểm, thần kinh thị giác, cầu mắt. Trong đó thuỷ tinh thể và võng mạc được xem như là hai trụ cột có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chức năng của mắt.
Mắt là một cỗ máy tinh vi và phức tạp
Chính vì sự quan trọng và cấu trúc phức tạp của mắt mà các thiết bị hỗ trợ trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt càng phải được quan tâm. Từ đó các thiết bị ứng dụng trong ngành Nhãn khoa đã phát triển không ngừng, vượt qua cả CT Scanner, MRI, PET CT, chụp mạch kỹ thuật số chính là hệ thống chụp cắt lớp quang học OCT (Optical Coherence Tomography).
Hình ảnh phù gai thị. Ảnh OCT Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ
Hệ thống chụp cắt lớp quang học OCT có nguyên lý hoạt động gần giống như siêu âm nhưng sử dụng ánh sáng thay cho sóng âm. Mặc cho môi trường mắt không bị vẩn đục lắm ta có thể dùng OCT quan sát tất cả các cấu trúc của mắt trong không gian 3 chiều. Phương pháp này gần giống như dùng một con dao cắt thật mịn và mỏng các cấu trúc của mắt với độ phân giải cực cao, không xâm lấn vào các tổ chức của nhãn cầu, đồng nghĩa với không đau đớn và không chảy máu.
Xuất huyết dịch kính (Ảnh: Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ)
Không giống như các bộ phận khác của cơ thể được che chắn, bảo bọc. Mắt phải tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố bên ngoài môi trường như khói bụi, ô nhiễm. Vì vậy các bệnh lý về mắt rất dễ gặp như nhiễm khuẩn, nhiễm trùng. Chưa hết, thời đại công nghệ phát triển, mắt phải tăng công suất làm việc vì thế thị lực ngày càng yếu dần dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh Nhãn khoa.
Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch (Ảnh: Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ)
Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch (HVMTTTD) được biểu hiện bằng một vùng bong thanh dịch của lớp võng mạc thần kinh do dịch dò từ mao mạch hắc mạc xuyên qua lớp biểu mô sắc tố võng mạc. Trong chẩn đoán các tổn thương của mắt khi mắc bệnh bong hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, thiết bị OCT cho thấy rõ các tổn thương của bệnh như dịch dưới võng mạc, bong biểu mô sắc tố khi thăm khám cận lâm sàng và chẩn đoán xác định. Kết quả OCT cho thấy rõ vùng tổn thương, tăng khả năng chẩn đoán bệnh của bác sĩ và tối ưu việc điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được thực hiện chụp đáy mắt bởi máy OCT hiện đại Nidek (Ảnh: Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ)
Máy chụp cắt lớp quang học OCT của Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ sở hữu những ưu điểm vượt trội như chức năng theo dõi kết hợp với hình ảnh siêu nhạy cho ra hình ảnh bệnh lý hắc võng mạc phân giải cao và độ tương phản cao; cho phép siêu âm và thấy rõ dù môi trường mờ đục; độ dày võng mạc thể hiện theo trình tự thời gian bằng các bản đồ, biểu đồ và độ thị khác nhau để phân tích xu hướng; chức năng theo dõi chuyển động của mắt giúp giữ vị trí quét cố định để chụp thêm chính xác.
Bên cạnh những chứng năng chính, máy OCT tại Bệnh viện Đại Học Nam Cần Thơ còn có khả năng chụp được bán phần trước. Ứng dụng trong chẩn đoán và khám sàng lọc các bệnh bán phần trước của nhãn cầu: Giác mạc, mống mắt, góc tiền phòng…
OCT bán phần trước – Ảnh minh họa
Hình ảnh chụp toàn cảnh đáy mắt
Lê Sang